Theo ông Trần Huy Hiền, Tổng Thư ký VIFFAS, thời gian gần đây tội phạm trộm cắp tài sản trong container rộ lên và ngày càng phức tạp khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng. Riêng trên địa bàn TPHCM, tính từ năm 2011 đến thời điểm này đã xảy ra 46 vụ trộm cắp các loại hàng hóa khi vận chuyển bằng container, tổng thiệt hại lên đến 27 tỉ đồng.
Mới đây, dưới sự trợ giúp của lực lượng công an tỉnh Bình Dương đã triệt phá được hai băng nhóm chuyên “móc ruột” container cướp hàng hóa trị giá hàng chục tỷ đồng và bắt được 8 nghi can do Lê Nghĩa, quê Bình Định cầm đầu.
Theo cơ quan điều tra, Công ty CP An Linh (Bình Dương) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH đầu tư Phước Sơn (TPHCM) để vận chuyển 42 tấn cà phê trị giá hơn 200 triệu đồng đến cảng ICD Sotrans (quận Thủ Đức) làm thủ tục xuất khẩu. Tài xế Nguyễn Thành Luân được Công ty Phước Sơn giao lái container vận chuyển số hàng trên.
Tuy nhiên, trên đường đến cảng, Luân đã móc nối với Nghĩa đưa số container đến bãi đậu thuộc khu phố Đông (thị xã Dĩ An – Bình Dương) cùng đồng bọn trộm cà phê.
Trước đó, Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công chuyển lô hàng 460 thùng hàng sợi cuộn 100% polyester từ Tây Ninh giao cho Công ty TNHH Đỗ Hồng Hải vận chuyển đến cảng Cát Lái (quận 2 – TPHCM) làm thủ tục hải quan để xuất khẩu.
Lái xe Đỗ Thành Hiếu và Lê Văn Dũng được giao nhiệm vụ chở hàng. Trên đường đi, Hiếu lái xe container đến “bãi đáp” tại khu phố Đông (Bình Dương) cùng đồng bọn tổ chức trộm 90 thùng hàng, trị giá hơn 200 triệu đồng rồi chuyển sang xe tải.
Hành vi này bị cảnh sát bắt quả tang. Băng nhóm này còn khai nhận, trước đó đã thực hiện trót lọi hơn 20 vụ “rút ruột” container với tổng trị giá lên đến hơn 20 tỉ đồng.
Không chỉ cố tình “rút ruột” hàng hóa của doanh nghiệp, nhiều trường hợp đối tượng còn lợi dụng sự sơ hở ở các cảng để chiếm đọat.
Trường hợp của Nguyễn Tiến Trường, nhân viên giao nhận của Công ty TNHH Thép Phú Vinh là một ví dụ. Trường được giao nhiệm vụ ra cảng Bến Nghé và cảnh Nhà Rồng – Khánh Hội để nhận các lô hàng sắt thép xây dựng. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý của cảng, Trường đã chiếm đoạt và thuê xe vận chuyển bán 115 cuộn thép giao nhằm tư lợi, gây thiệt hại cho cảng hơn 3 tỉ đồng.
Ông Hiền cho rằng, các cảng vụ và doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để loại trừ nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Bởi lẽ, thủ đoạn trộm cắp của các đối tượng ngày càng tinh vi, các vi phạm chưa được xử lý theo đúng quy định, người giải quyết không đúng thẩm quyền, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Trước mắt, để đối phó với nạn mất hàng, một số công ty tự hàn bản lề cửa thùng container và đánh dấu bằng ký hiệu riêng. Tuy nhiên, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, các cảng cần phải có dịch vụ cân container, hàng hóa khi thông quan cần được cân trọng lượng nguyên container và in kết quả trọng lượng.
Thượng tá Trần Văn Ngọc, Phó Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về An toàn Xã hội TPHCM (PC45) cũng khẳng định, biện pháp niêm phong và kiểm tra niêm phong hiện nay không “đủ mạnh” để bảo vệ hàng hóa.
Ngoài ra, phương pháp khoán chuyến và tuyến vận chuyển đang tạo điều kiện thuận lợi cho tài xế và lơ xe dừng để gây án. Hơn nữa, khi xảy ra mất cắp container doanh nghiệp phải trình báo sớm vì để lâu công an không thể truy thu được tài sản. Chính vì doanh nghiệp chậm khai báo nên trong 46 vụ mất cắp container giá trị 27 tỉ đồng chỉ thu lại được 4 tỉ đồng.