“MŨI DẠI… CÁI MANG”
Cuối tháng 3.2012, ông Mai Hùng Cường (SN 1965, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, giám đốc một công ty vận tải) đã đến trình báo 2 vụ công ty của ông nhận chở container vải; sau khi chủ hàng nhận hàng phát hiện mất 1.000 cây vải trị giá nhiều tỷ đồng, liên lạc với tài xế thì tài xế tắt máy. Trước đó, một công ty xuất nhập khẩu nông sản ở Q.12 thuê một công ty vận tải vận chuyển 7 container hạt điều nhân ra cảng để xuất đi nước ngoài. Nhưng sau đó, đối tác nước ngoài báo đã bị mất số lượng lớn hạt điều trị giá hơn 210.000USD... Mới đây, Đội Phòng chống trộm cắp và lừa đảo (Đội 4 - PC45), Công an TP.HCM triệt phá 2 đường dây trộm cắp hàng trong container đã thực hiện trót lọt gần 20 vụ, bắt giữ 32 nghi phạm. Trong đó, có một số người làm hồ sơ giả xin vào làm tài xế để trộm cắp.
Không chỉ cố tình “rút ruột” hàng hóa của DN, nhiều trường hợp đối tượng còn lợi dụng sự sơ hở ở các cảng để chiếm đoạt. Trường hợp của Nguyễn Tiến Trường, nhân viên giao nhận Công ty TNHH Thép Phú Vinh là một ví dụ, khi được giao nhiệm vụ ra cảng Bến Nghé và cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (NRKH) để nhận các lô hàng sắt thép xây dựng. Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý của cảng NRKH, Trường đã chiếm đoạt và thuê xe vận chuyển bán 115 cuộn thép giao nhằm tư lợi. Vụ việc này đã gây thiệt hại cho cảng NRKH hơn 3 tỷ đồng. Trường hợp khác là đối tượng Lê Đình Biên, phụ xe của Công ty Vận tải Minh Phương. Biên đã cùng đồng bọn trộm cắp lô hàng xuất khẩu (hiệu giày thể thao Nike) trị giá 53.000 USD, trên đường vận chuyển từ Bình Dương về Cát Lái thì bị bắt quả tang. Thủ đoạn của chúng là dùng hàn đá cắt vỏ thùng container (mặt trên) để lấy hàng rồi hàn, sơn lại như cũ. Trước đó, với thủ đoạn tương tự, các đối tượng này đã ‘thắng lớn” một vụ.
Hậu quả để lại đằng sau những vụ việc trên là rất lớn và DN phải “gồng” mình giải quyết. Giám đốc một DN vận tải TP.HCM cho biết: “Những kẻ trộm cắp hàng hóa trong container đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của DN logistics trong nước. Mặt khác, nhiều đối tác nước ngoài còn nghi ngờ DN làm ăn gian dối. Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng điều tra, không ít công ty đã phải chi ra khoản tiền lớn bồi thường cho đối tác nhằm giữ uy tín và duy trì quan hệ khách hàng”.
ĐI TÌM GIẢI PHÁP
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều cảng, hàng nghìn container hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây mỗi ngày. Tổng hợp từ các cảng vụ nơi này cho thấy, mỗi năm, có hàng trăm vụ mất hàng trong container. Trước vấn nạn đó, các DN chỉ biết kêu trời vì đối tuợng ăn cắp khó bị phát hiện. Theo Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trộm cắp tại các cảng biển ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Nhiều đối tượng lợi dụng trời tối dùng tàu cá, sà lan, ghe máy hoặc thuyền nhỏ áp sát tàu hàng để trộm cắp hàng hóa, vật tư, sắt thép.
Không chỉ các lô hàng xuất khẩu, mà các mặt hàng giá trị thấp, giao nhận trong nước cũng bị trộm. Mới đây, Công an TP.HCM phát hiện tội phạm chuyên nghiệp mua cả xe đầu kéo để nhận công việc áp tải hàng hóa, sau đó chở luôn container hàng đem đi bán. Đối tượng trộm cắp, gian lận hàng hóa phần lớn là công nhân làm thuê thời vụ từ bên ngoài, lái xe, thậm chí cả chủ hàng đã câu kết với nhau, lợi dụng kẽ hở từ khâu cân đo hàng, xếp dỡ, sự mất tập trung của lực lượng kiểm soát để trộm hàng. Theo kết quả điều tra của ngành công an, có 2 nhóm ăn cắp hàng trong container. Một là bọn tội phạm chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức. Nhóm còn lại là nhân viên hãng tàu cấu kết với nhân viên công ty xuất nhập khẩu và tài xế chuyển hàng thực hiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng trộm tài sản trên tàu hàng và bến cảng đã diễn ra nhiều năm nay, các cảng vụ và DN đã áp dụng nhiều biện pháp để loại trừ nhưng vẫn chưa ngăn chặn được. Bởi lẽ, thủ đoạn trộm cắp ngày càng tinh vi, các vi phạm chưa được xử lý theo đúng quy định, người giải quyết không đúng thẩm quyền, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Trước những vụ mất cắp hàng hóa trong container xuất khẩu diễn ra dồn dập với số lượng lớn, nhiều DN đặt vấn đề về tính an toàn trong quy trình đóng, kiểm tra hàng xuất khẩu. Về việc này, Công ty Giám định Cà phê và Hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu (Cafecontrol), cho biết, những container xuất khẩu đã bấm niêm chì cứ tưởng an toàn, nhưng kẻ gian chỉ cần dùng những vật dụng thô sơ cũng có thể mở ra được. Để chứng minh việc này, công ty đã đưa ra nhiều hình ảnh mà nhân viên của công ty ông thu thập về cách thức mà kẻ gian phá nạy container để lấy hàng hóa. Chẳng hạn như kẻ gian dùng búa phá chốt giữa hai cửa container, sau đó dùng chốt khác thay vào rồi lấy sơn xịt lại mà niêm chì vẫn còn nguyên.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc mất cắp trong container khó bị phát hiện bởi thời gian vận chuyển thường kéo dài 1-2 tháng, khi đối tác nhận được hàng thì nhiều dấu vết đã bị xóa. Ngoài ra, còn do nguyên nhân các công ty sản xuất container khi sản xuất đã không lường hết được việc nạy phá, rồi làm giống lại. Để đối phó với nạn “rút ruột” container, nhiều công ty đã tự hàn lại bản lề cửa thùng container và đánh dấu bằng ký hiệu riêng. Khi hàng được chuyển đến nơi quy định, người giám sát lập tức kiểm tra, nếu có dấu vết tác động sẽ yêu cầu tài xế giải trình, làm rõ. Để hạn chế việc mất cắp, chúng tôi đề nghị tại các cảng xuất khẩu cần phải có dịch vụ cân container. Hàng hóa khi thông quan xuất khẩu được cân nguyên “con” và in kết quả trọng lượng.
Về vấn đề trên, Cục Cảnh sát Hình sự cho biết là họ đã phát hiện nhiều lỗ hổng, lỏng lẻo trong vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng container. Nếu các DN vận tải tuyển chọn kỹ đội ngũ lái xe, các DN thuê dịch vụ cử người giám sát hàng hóa chặt, thì chuyện ăn cắp rất khó xảy ra. Để ngăn chặn nạn “rút ruột” container, lực lượng công an các địa phương, cần thu thập tài liệu, tuyên truyền cho các DN vận tải và xuất khẩu biết phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này… Theo PC45, Công an TP.HCM, biện pháp niêm phong và kiểm tra niêm phong cửa container tại nơi nhận và giao là không đủ bảo vệ an toàn cho hàng hóa trong container. Nhiều trường hợp lái xe và phụ xe được DN giao luôn nhiệm vụ áp tải hàng hóa có giá trị rất cao nhưng thiếu thẩm tra lai lịch và không nắm nơi cư trú. Phương thức khoán chuyến và tuyến vận chuyển là sơ hở, tạo điều kiện cho lái xe và phụ xe xấu tự định đoạt lộ trình và điểm dừng để gây án... Vì vậy, bên cạnh việc thẩm tra kỹ hồ sơ xin việc của nhân viên, cần có biện pháp giám sát lộ trình các xe vận chuyển hàng nhằm kịp thời phát hiện những bất thường, kiểm tra kỹ container trước khi giao nhận hàng...
Một số DN cũng đề nghị các cảng nên rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý của cảng để đảm bảo an toàn hàng hóa khi ra vào cảng. Đồng thời, ngay khi phát hiện vụ việc nên yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ trắng đen, tránh gây ra những hiểu nhầm với phía đối tác. Phía Hiệp hội Điều cho rằng: Bộ GTVT cần ban hành cơ chế chính sách quản lý, giám sát các DN hành nghề vận tải hàng hóa trong container. Yêu cầu 100% đơn vị vận tải container phải có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ lưu trữ (file soft) lịch trình xe trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu. Đồng thời có trách nhiệm đối với lô hàng mà công ty mình vận chuyển bị mất cắp trên đường từ nhà máy đến cảng. PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho rằng, điều cần thiết hiện nay là nên thay đổi, nâng cấp các thiết bị kiểm tra, tận dụng sự phát triển của công nghệ để phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt trong container, chứ không nên dừng lại ở việc kiểm tra hàng cấm, hàng lậu như hiện nay.
Qua các vụ mất trộm hàng container xảy ra ở TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng… cho thấy, hàng chủ yếu mất cắp ở cung đường sà lan, chuyển tiếp hàng từ kho, cảng biển ra tàu và ngược lại. Xâu chuỗi lại sự việc, các chuyên gia lý giải: Hàng chứa ở sà lan thường không có chủ hàng, không có chủ hãng tàu. Công an, giám sát kho, cảng vụ hầu như không theo hàng mà chỉ có ông chủ sà lan và nhân viên. Do vậy, hàng “bốc hơi” ở giai đoạn này rất dễ xảy ra và khó kiểm soát. Một DN bị mất hàng than rằng: “Mất tiền là vấn đề lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nhưng cái mất lớn hơn là uy tín, thương hiệu và khách hàng. Nếu tình trạng này không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các DN xuất khẩu, vì rất nhiều mặt hàng khác như điều, hồ tiêu, thủy sản... cũng bị rút ruột”.
Tình trạng rút ruột container đã xảy ra cách đây vài năm. Tuy nhiên, số đối tượng bị phát hiện, xử lý so với số lượng lớn hàng hóa bị lấy cắp là còn rất nhỏ. Cần trừng trị nghiêm loại tội phạm này để có tính răn đe. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, các hoạt động vận tải - dịch vụ logistics của VN sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Đã đến lúc chúng ta phát tín hiệu... SOS về tình trạng này.