GP DragonFly (DF) của công ty ADA (TP.HCM) giúp DN kiểm soát các xe của họ ở đâu, chạy tốc độ bao nhiêu, lái xe có nghiêm túc thực hiện các quy định của đơn vị không và hơn thế nữa...
Xe mình đang ở đâu?
Giám sát và quản lý hệ thống phương tiện vận tải một cách hiệu quả là bài toán đang làm đau đầu hầu hết các nhà quản lý DN vận tải. Làm thế nào để biết xe của đơn vị mình đang nằm ở đâu? Chạy với tốc độ bao nhiêu? Lái xe có nghiêm túc thực hiện các quy định và yêu cầu mà đơn vị mình đề ra? Và, giám sát bằng cách nào?
DF là 1 hệ thống giám sát, quản lý và điều hành các phương tiện GTVT dựa trên công nghệ định vị toàn cầu GPS kết hợp với bản đồ số (GIS) của GoogleMap, VietBanDo, WikiMapia, Google Earth và truyền tải dữ liệu bằng công nghệ GPRS của các mạng di động GSM.
Hệ thống GP DF chuyển giao cho khách hàng gồm thiết bị định vị GPS và chip truyền dữ liệu GSM được gắn vào phương tiện cần theo dõi, kết hợp với công nghệ Tracking trên web, máy tính không cần cài đặt PM chuyên dụng, chỉ cần kết nối Internet là xem được trên trình duyệt web ở bất cứ đâu, với các chức năng điều phối, giám sát, thống kê... Thiết bị định vị được nhập từ các nhà sản xuất chuyên về hệ thống định vị (Globalsat, Siemens, Simcom...).
Theo ông Nguyễn Văn Tường, phụ trách phòng Tiếp Thị công ty ADA, hiện có 3 loại thiết bị phổ biến là TK102, TK151 và Track V với nhiều tính năng khác nhau. Với TK102 và TK151, thiết bị cho phép định vị và lưu giữ thông tin trong trường hợp kết nối GPRS bị đứt, khi có tín hiệu GPRS các thông tin này sẽ được cập nhật; thiết bị Track V có gắn chip đo các thông số như nhiệt độ, độ ẩm... Thông qua các vệ tinh GPS, hệ thống xác định được các thông số GT của 1 phương tiện như: tọa độ (vị trí), vận tốc di chuyển, hướng di chuyển, độ cao...
Các thông số này được truyền về máy chủ của đơn vị quản lý bằng công nghệ GPRS. Từ đó, chủ phương tiện vận tải giám sát và theo dõi các phương tiện của mình thông qua công cụ bản đồ số (GIS).
Cùng với GP DF, ADA cung cấp dịch vụ Realtime Tracking trên web và trên điện thoại di động giao tiếp với dữ liệu bản đồ của Google Earth, GoogleMap, WikiMapia. Đây là những công cụ bản đồ trực tuyến hỗ trợ miễn phí người dùng trên toàn thế giới. Khách hàng của ADA chỉ tốn thêm một khoản chi phí duy trì thông tin dữ liệu của khách hàng trên máy chủ của ADA mà không phải trả thêm khoản phí nào khi sử dụng công cụ bản đồ số này.
DF còn tích hợp một số chức năng: đàm thoại giữa lái xe và người giám sát, phát tín hiệu SOS trong trường hợp khẩn cấp... Quá trình quan sát trực tuyến trên trình duyệt web qua bản đồ số cho phép cập nhật và thống kê lịch sử lộ trình của xe trong nhiều năm.
Giảm chi phí, ngăn gian lận
Theo ông Tường, đến tháng 4/2009, ADA đã triển khai hệ thống này cho hơn 500 khách hàng cá nhân và DN ở nhiều tỉnh thành. Phần lớn khách hàng là các DN vận tải Bắc– Nam, công ty hàng thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh, các công ty thám tử...
Ông Phạm Thanh Hùng, phó giám đốc công ty Sản Xuất và Phân Phối Trứng Sạch Ba Huân cho biết: "Trước đây, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý đội ngũ xe giao hàng và các lái xe. Có rất nhiều trường hợp, các lái xe cố tình không vận hành theo đúng lộ trình làm gia tăng đáng kể chi phí xăng dầu; cũng có lái xe đi đường vòng, tránh các trạm thu phí nhằm "bỏ túi riêng" khoản phí này... Những điều này làm gia tăng chi phí hoạt động và chi phí quản lý. Chỉ 1 ngày ngay sau khi công ty tiến hành lắp đặt và đưa vào vận hành GP DF, hệ thống đã ghi nhận 1 trường hợp cố tình chạy sai lộ trình để không qua trạm thu phí làm tăng chi phí xăng dầu. Các báo cáo hàng ngày theo dõi và quản lý đội ngũ xe và các lái xe của họ sau đó cho thấy tình trạng đã được cải thiện đáng kể". Tại phòng điều hành của công ty, hoạt động của các xe liên tục được theo dõi và cập nhật các thông số từ vị trí, tốc độ, thời gian dừng đỗ... Thông qua thiết bị có gắn chip lắp đặt trên xe, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. Ba Huân có đội xe giao hàng 60 chiếc. Công ty đã đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát cho 19 xe trị giá hợp đồng gần 90 triệu đồng và có kế hoạch lắp đặt cho tất cả số xe còn lại.
Công ty liên doanh Việt Nhật là DN vận tải hàng đông lạnh. Do đặc thù sản phẩm, các xe được trang bị thùng lạnh và sản phẩm thường dễ bị hư hỏng do không kiểm soát được nhiệt độ của thùng lạnh trong quá trình vận chuyển. Sau khi ứng dụng hệ thống DF, vấn đề đã được khắc phục: Trên các xe container chở thùng lạnh, thiết bị định vị được gắn thêm một chip đo và báo cáo liên tục nhiệt độ của các thùng lạnh này. Từ đó, bộ phận giám sát có biện pháp bảo quản tốt hơn sản phẩm của họ trong quá trình vận chuyển. Công ty này hiện đã lắp đặt DF 15 trên tổng số 40 xe containner của họ. Trị giá lắp đặt thiết bị có gắn chíp đo nhiệt độ cho mỗi xe container như vậy vào khoảng 300 USD.
Còn ông Nguyễn Gia Thoại, chủ một DN cho thuê xe tự lái tại TP.HCM thì cho biết, hệ thống này hỗ trợ quản lý lộ trình những chiếc xe mà DN ông cho khách thuê nội tỉnh. Tình trạng khách vi phạm hợp đồng, thuê nội tỉnh nhưng đi ngoại tỉnh đều bị phát hiện và kiểm soát được. Ông Thoại còn cho biết, trước đây, ông phải mất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức trong việc "chuộc" lại những chiếc xe đã bị "khách hàng" mang đi cầm tại các tiệm cầm đồ. Nhưng sau khi ứng dụng giải pháp này, ông đã rất yên tâm vì tất cả các xe của ông được quản lý và giám sát 24/24. "Nhất cử, nhất động" của những chiếc xe giao cho khách đều có thể giám sát được từ văn phòng. Việc tìm lại những chiếc xe khả nghi theo ông đã trở nên rất thuận tiện và dễ dàng thông qua công cụ bản đồ số
Theo PCWorld.com.vn