Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp nhìn nhận, đang tiềm ẩn sự thiếu chính xác khi xử phạt hành vi không chấp hành tín hiệu đèn vàng.
Nghị định 46 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/8 quy định về việc nâng mức xử phạt lỗi vượt đèn vàng như vượt đèn đỏ, việc này gây tranh cãi trong dự luận.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó, quy định xử phạt về hành vi “không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông” là có căn cứ về thẩm quyền và nội dung quy định tại: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013, Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo ông Ba, việc xử phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông ở trên không phải là quy định mới (trước đây đã được quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP).
Việc phạt lỗi vượt đèn vàng như đèn đỏ gây tranh cãi trong dư luận. Ảnh: Tiến Tuấn
“Theo tôi, Nghị định số 46 quy định xử phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (trong đó có tín hiệu đèn vàng) là có cơ sở pháp lý”, ông Ba nói.
Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản cũng băn khoăn, Luật Giao thông đường bộ quy định tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Thông tư số 06/2106/TT-BGTVT quy định trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nơi giao nhau.
Ông Ba cũng cho rằng, trên thực tế, việc xác định chính xác hành vi không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn vàng có thể gặp khó khăn; tiềm ẩn nguy cơ việc xử phạt không chính xác. Việc xử phạt chính xác hay không trong trường hợp này phụ thuộc rất lớn vào năng lực chuyên môn nghiệp vụ và sự công tâm, đạo đức công vụ của cảnh sát giao thông.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần xem xét rà soát kỹ các quy định này, căn cứ vào thực tiễn thi hành để hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn cho phù hợp.
Trong khi đó, thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an cho biết, Nghị định 46/2016 do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo chứ không phải bên công an.
Thiếu tướng Trần Thế Quân cũng cho biết, quy định xử phạt đèn vàng có từ trước tới nay, từ ngày 1/8 có nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ.
Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực ngã tư thì được đi tiếp. Có người cho rằng, cứ đèn vàng là phải dừng là hiểu chưa đúng. Theo thiếu tướng Quân, quy định về xử phạt vượt đèn vàng cứ áp dụng một thời gian xem thế nào, nếu bất hợp lý sẽ đề xuất bỏ.
Chính phủ ban hành Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2016).
Theo đó, người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn vàng và đèn đỏ) bị phạt 1.200.000 - 2.000.000 đồng (Căn cứ Điểm a, Khoản 5, Điều 5 của Nghị định 46).
Với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự vượt đèn vàng bị phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng (Căn cứ Điểm c, Khoản 4, Điều 6 của Nghị định 46).
Theo zing