Gian lận vô tư ở trạm thu phí

 

Nhân viên soát vé tại trạm 2 đường Nguyễn Văn Linh (chiều Q.7 đi Bình Chánh) nhận tiền của tài xế nhưng không xé vé - Ảnh cắt từ clip H.L. - Đ.P.

“Ở trạm thu phí này chỉ cần tài xế đưa tiền thấp hơn hoặc bằng giá vé là vô tư lọt qua, không cần phải chờ xé vé mất thời gian"

Ông BÙI VĂN CHIẾN (tài xế)

 

Hai trạm thu phí này do Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), có thời hạn khai thác trong vòng 30 năm (từ năm 1998 đến 2028).
Doanh thu từ việc thu phí được dành để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, trường hợp tiền thu phí dư, chủ đầu tư được giữ lại 30% và chia cho TP.HCM 70%.


Nhận tiền, không xé vé

Đường Nguyễn Văn Linh là tuyến giao thông huyết mạch về các tỉnh miền Tây (và ngược lại) nên mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe qua lại.
Mỗi trạm thu phí trên đường này có 10 làn xe (chiều đi và về). Khoảng 10g ngày 25-2, tại làn giữa của trạm 2 (phía Bình Chánh) có hai nhân viên thay nhau thu phí các xe lưu thông từ Q.7 về nút giao thông Bình Thuận (Bình Chánh).
Hai nhân viên này mặc trang phục khác nhau, trong đó có một nhân viên vừa thu phí vừa hút thuốc phì phèo. Quan sát trong khoảng 30 phút, chúng tôi thấy có ít nhất tám lần hai nhân viên này thu từ 7.000 - 10.000 đồng của các tài xế xe tải và xe khách nhưng không xé vé theo quy định.
Điển hình, lúc 10g30, khi một xe tải biển số TP.HCM trờ tới, tài xế giơ tờ tiền 10.000 đồng ra cửa, nhân viên mặc áo xanh nhạt đứng tại trạm giơ tay lấy tờ tiền trong chớp 
nhoáng mà không xé vé...
Theo ông Bùi Văn Chiến (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) - tài xế xe đưa rước nhân viên của một công ty ở Q.7, ông thường xuyên chạy xe qua nhiều trạm thu phí, nhưng chỉ có trạm Nguyễn Văn Linh là thu phí mà không xé vé.
Sáng 1-3, chúng tôi ngồi trên xe 16 chỗ của ông Chiến chạy từ Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) về nút giao thông Bình Thuận. Theo quy định, giá vé đối với loại xe này là 10.000 đồng, nhưng lúc xe qua trạm 1 (phía Q.7), ông Chiến chỉ đưa 7.000 đồng là nhân viên soát vé cho qua, không xé vé...
Ngày 4-3, chúng tôi tiếp tục theo xe 16 chỗ của tài xế Nguyễn Văn Tý (ngụ Q.Bình Tân) hướng từ Q.7 về Bình Chánh. Lần này, ở trạm 1 chúng tôi gặp lại nhân viên đã gian lận giá cước vào ngày 1-3 nói trên và một lần nữa, nhân viên này nhận 7.000 đồng của tài xế “đút túi” mà không xé vé.
Ngoài trạm 1, ở trạm 2 (cả hai chiều đi, về) đều có hai nhân viên nhận của tài xế Tý 14.000 đồng “đút 
túi” mà không xé vé.

Chủ đầu tư “đành chịu chết” (?)

Hai trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh có tất cả 10 làn xe (chiều đi và về). Giá thu phí niêm yết tại trạm là: xe dưới 15 chỗ 7.000 đồng, xe từ 15 đến 30 chỗ 10.000 đồng và xe 31 chỗ trở lên 15.000 đồng.
Tại hai trạm thu phí, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng đều trưng bảng “quy trình bán vé”, nghiêm cấm nhân viên có hành vi lấy tiền không đưa vé cho khách, bán vé đã qua sử dụng hoặc cấu kết với đồng nghiệp tiêu cực...
Thế nhưng, theo giới tài xế thường xuyên chạy xe qua tuyến đường Nguyễn Văn Linh, tình trạng nhân viên trạm thu phí gian lận tiền cước đã xảy ra trong thời gian dài. Tiếp xúc với các tài xế, chúng tôi thấy để tình trạng này xảy ra ngoài trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư trạm thu phí, còn do giới tài xế thỏa hiệp với nhân viên thu phí để trả tiền phí thấp hơn.
Anh Tuấn, một tài xế chạy xe tải, cho biết: “Do dọc đường Nguyễn Văn Linh có nhiều nhánh đường xương cá cắt ngang nên đối với tài xế chỉ qua một trạm, không cần lấy vé thanh toán với công ty thì họ thường đưa thấp hơn giá vé từ 3.000 - 10.000 đồng để được qua trạm.
Các nhân viên soát vé gật đầu nên rất nhiều tài xế chọn cách này để giảm bớt chi phí trong bối cảnh trạm thu phí mọc dày đặc như hiện nay”.
Khi chúng tôi đề cập tình trạng nhân viên trạm thu phí gian lận tiền phí và hẹn gặp làm việc, một lãnh đạo Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng nói: “Chúng tôi cũng chịu chết, không có cách nào khác vì công ty từng phát hiện và đuổi biết bao nhiêu nhân viên ở trạm rồi. Đuổi riết bây giờ không tuyển được nhân viên”.
Vị này còn cho biết khi phát hiện nhân viên trạm thu phí gian lận, công ty nhiều lần ra quyết định xử lý, thậm chí đổi trạm trưởng đến lần thứ hai nhưng vẫn... không xong! Để xử lý vấn đề này, phía công ty nhiều lần gửi kiến nghị đến UBND TP.HCM cho phép đầu tư lắp đặt trạm thu phí bán tự động, nhưng đến nay UBND TP vẫn chưa đồng ý.
“Nếu UBND TP không cho lắp đặt trạm thu phí bán tự động thì chúng tôi không quản nổi và đành chịu chết chứ không có cách nào” - 
vị này nói trong bất lực.


Nên xây trạm thu phí tự động

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông), tuy số tiền nhân viên trạm thu phí gian lận mỗi lần không lớn, nhưng với số lượng xe rất lớn lưu thông hằng ngày và khoảng thời gian thu phí dài thì Nhà nước (có thể cả công ty đầu tư, quản lý) bị thất thoát khoản tiền rất lớn.
Ông Sanh cho rằng giải pháp nhanh nhất để dẹp trò gian lận ở trạm thu phí là khẩn trương xây dựng trạm thu phí tự động. “Nhiều nước trên thế giới đã xóa bỏ thu phí thủ công từ lâu và chuyển sang thu phí tự động. Thu phí tự động giúp giảm chi phí cho nhân lực, giảm thời gian thu phí, không tốn thời gian ngừng xe khi qua trạm và đặc biệt là nhà đầu tư kiểm soát được nhân viên, nhà nước cũng kiểm soát được nhà đầu tư” - ông Sanh nhận định.

 

Theo HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ - tuoitre.vn

Tin mới nhất:
Tin trước đây:

Lượt xem:
mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter