Cộng chung hai khoản này, 10
tháng đầu năm Việt Nam nhập tổng cộng 7,261 tỷ USD xăng dầu và dầu thô. 70% số
lượng đó được phân phối qua các đầu mối phân phối bán lẻ, các cây xăng. Nhưng
gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua diễn ra khá phức
tạp, làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng, là vấn đề bức
xúc của xã hội và là lực cản các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tiến
trình hội nhập.
Gian lận về đo lường
Tình trạng vi phạm về đo lường
trong kinh doanh xăng dầu âm ỉ từ nhiều năm nay và đang lan trên địa bàn cả nước.
Tháng 9/2008, qua đợt kiểm tra của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát hiện 26 cơ
sở kinh doanh xăng dầu cài đặt bảng mạch điện tử làm thay đổi tình trạng kỹ thuật
thiết bị đo để “móc túi” khách hàng. Và mới nhất, ngày 24-11-2014 Công an tỉnh
Nghệ An khởi tố, bắt giam Trần Lê Đức, tác giả của con chíp IC giả gắn trên rất
nhiều các cây xăng từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh để ăn bớt xăng dầu từ 4-11% khi bơm
xăng bán cho khách. Kiểm tra sơ bộ, Công an Nghệ An đã bắt quả tang 11 cây xăng
của 9 doanh nghiệp gắn IC giả của Trần Lê Đức. Sự kiện này đã khẳng định thêm một
sự thật, chúng ta chưa bao giờ tiêu diệt được tệ nạn ăn bớt xăng dầu khi bán
cho khách hàng. Mỗi lần các thủ đoạn gian lận được phát hiện sẽ có ngay các biện
pháp chống gian lận nhằm phát hiện nó. Cái quá trình này cũng cho thấy, các biện
pháp chống gian lận bao giờ cũng... đi sau các biện pháp gian lận. Nghĩa là những
kẻ gian lận đã kiếm đủ rồi, no bụng rồi, chúng ta mới có thể phát hiện được.
Hãy làm một phép tính đơn giản. Nếu
chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước sử dụng hết hơn 7 tỷ USD xăng dầu và
những kẻ gian lận chỉ ăn bớt của chúng ta 1% số đó, con số đã là hơn 70 triệu
USD, tương đương 1500 tỷ đồng. Con số khổng lồ đủ sức mạnh thúc đẩy mọi âm mưu.
Nhưng con số ăn bớt thực tế lớn hơn rất nhiều. Theo các cơ quan chức năng, chíp
điện tử giúp cây xăng ăn bớt lượng xăng khi đong cho khách hàng từ 7% đến 15%.
Tính bình quân họ bán 100 lít thì chỉ đong có 90 lít, gian lận 10 lít của khách
hàng. Thử làm một phép tính, một cây xăng nhỏ, bán mỗi ngày khoảng 1.000 lít
thì mỗi tháng cũng “móc túi” của khách hàng trên 3000 lít xăng dầu, thu lợi 60 triệu đồng. Trong khi đó mức đóng phạt tối
đa 75 triệu đồng với hành vi gian lận bị phát hiện tại các cây xăng như thời
gian qua của chính quyền địa phương chỉ là phần lợi nhuận rơi vãi mà thôi.
Gian lận về chất lượng
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý
thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay đã xử lý tổng cộng 19 vụ
vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Trong đó có 4 vụ kinh doanh xăng
không đúng chất lượng. Cụ thể, qua kiểm 43 vụ đã phát hiện 19 vụ vi phạm; trong
đó có nhiều vụ kinh doanh xăng không đúng chất lượng theo quy chuẩn quốc gia. Tại
Doanh nghiệp tư nhân trạm xăng dầu Quảng Phương tại Khu phố Tân Ba, phường Thái
Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, trong các mẫu xăng dầu kiểm định tại
doanh nghiệp này, các mẫu xăng A 92 theo tiêu chuẩn có chỉ số octan là 92 nhưng
các mẫu của doanh nghiệp này chỉ đạt từ 83 đến 86.
Có thể nói gian lận về chất lượng
xăng dầu là loại gian lận gây hậu quả nghiêm trọng nhất. Vấn đề không chỉ là sự
sai khác tiêu chuẩn làm các động cơ hoạt động không đạt công suất mà còn có
nguy cơ gây cháy nổ. Năm 2013, chúng ta đã chứng kiến một loạt các vụ ô tô, xe
máy tự cháy khi đang chạy, nhiều khi là không chạy và đã có rất nhiều nghi vấn
hướng về chất lượng xăng dầu. Trong nhiều clip các nhà báo quay được ở các vụ
ăn cắp xăng dầu, có nhiều cảnh các xe bồn bị rút bớt xăng dầu và sau đó, người
ta đổ thêm một loại chất lỏng bù vào số xăng dầu đã bị trộm cắp. Chất lỏng đó
là gì? Có trường hợp chỉ là nước lã.
Có thể ví dụ, ngày 17-8, Đội Quản
lý thị trường TP Thái Nguyên đã công bố Kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật
tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho
thấy mẫu xăng A92 tại một cửa hàng xăng dầu ở Thái Nguyên có lẫn nước tự do
phân thành 2 lớp. Ngoài ra, đa phần là các loại nhiên liệu sinh học rẻ tiền
hơn. Vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện việc xăng bị pha các hóa chất
như acetone, methanol. Theo các chuyên gia kỹ thuật, có 3 loại phụ gia có thể
pha vào xăng là ethanol, acetone và methanol, đều là phụ gia chứa hợp chất gốc
oxy. Với 2 loại phụ gia là acetone và methanol, trên thực tế, có thể được pha
vào xăng nhưng ở tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1-2%.
Tuy nhiên, khi pha chế với hàm lượng
lớn, lên tới 10-15% thì các phụ gia sẽ gây tác hại khác. Khi đưa acetone hay
methanol vào trong xăng các phụ gia sẽ làm thay đổi thành phần bay hơi ở nhiệt
độ bình thường, làm thay đổi cân bằng về hơi, áp suất hơi trong động cơ cũng bị
thay đổi theo. Ngoài ra, xăng bị pha chế như vậy sẽ làm trương nở các chi tiết
động cơ làm bằng vật liệu cao su, vật liệu tổng hợp như các đường ống,
gioăng... làm trục trặc động cơ.
Tại các khớp nối, vốn là chi tiết
có 2 loại vật liệu khác nhau, khi bị trương nở, khớp nối bị lỏng ra, xăng dễ bị
rò rỉ ra ngoài. Trong môi trường động cơ hoạt động, chuyển động với nhiệt độ
cao, nhiên liệu rò rỉ ra ngoài thì cháy nổ là khó tránh khỏi. Đáng sợ hơn, những
kẻ gian lận còn pha các hỗn hợp hydrocacbon tương tự xăng, phẩm chất thấp hơn.
Đó có thể là dung dịch hỗn hợp hydrocarbon lỏng được sản xuất các cơ sở nhiệt
phân lốp cao su phế tải. Họ chưng cất, tách ra, làm sạch dung dịch đó và bơm
vào xăng. Có thể gọi là xăng nhưng là xăng phẩm cấp thấp để đốt lò, làm dung
môi. Với các cây xăng tự pha chế, họ chỉ pha bằng tay, nên không kiểm soát được
các chỉ số này trong xăng.
Lợi nhuận của việc gian lận này
là rất lớn. Tại chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh), gía của acetone hay methanol chỉ
bằng chưa đầy 10 nghìn đồng/lít và có thể mua nhiều xe bồn một lúc. Còn các loại
xăng chưng cất từ lốp xe cũ, có thể mua ở các cơ sở sản xuất với giá từ 5-7
nghìn đồng/lít. Lợi nhuận nào bằng?
Một trong những nguyên nhân gây
ra tình trạng xăng dầu chất lượng kém lưu thông trên thị trường là tình trạng
xăng dầu nhập lậu, xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không xuất mà đưa ra bán
trong nước. Các loại xăng dầu này không được pha chế theo chuẩn mực tại các cơ
sở pha chế mà bán thẳng cho các cây xăng với giá rẻ và các cây xăng bơm cho
khách.
Có một điều rất lạ lùng. Các cây
xăng chỉ là các đại lý bán lẻ, không có
quyền pha chế các loại xăng dầu, nhưng khi phát hiện xăng dầu không đủ chất lượng
lại chưa thấy truy nguyên nguồn xăng dầu chất lượng kém ở đâu ra, để kịp thời
phát hiện những ổ trộm cắp, gian lận. Có thể đó cũng là một lỗ hổng trong công
tác chống gian lận xăng dầu chăng?
Có thể chống được gian lận xăng dầu?
Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp
được đưa ra để phòng chống gian lận xăng dầu, nhưng trên thực tế các biện pháp
đó chưa thực sự ngăn chặn được tệ nạn này. Chúng ta đã thiết lập được hệ thống
phân phối xăng dầu (theo QĐ 187/TTg QĐ 1505/BTM), trong đó quy định trách nhiệm
liên đới của cả hệ thống đối với việc ngăn chặn gian lận. Tuy nhiên, các doanh
nghiệp gần như không quản lý được các đại lý và cũng không có quyền trong việc
kiểm tra, kiểm soát chống gian lận, thậm chí, các doanh nghiệp cũng không có điều
kiện kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát. Các lực lượng Quản lý thị trường, Thanh
tra khoa học công nghệ, Công an, Biên phòng, Hải quan... có quyền và có điều kiện
kỹ thuật thì lại quá mỏng, không thể thường xuyên kiểm tra. Chính vì vậy, tại
Nghệ An, các cây xăng đã cài IC giả, ăn bớt xăng dầu đến 6 năm mà không ai phát
hiện được.
Dư luận cho rằng cần phải xem cuộc
đấu tranh chống gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu vừa là trách nhiệm,
vừa là lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó chú trọng vai trò phát hiện của
mọi người dân và thông tin của các cơ quan thông tin đại chúng. Mặt khác cần
tăng cường cả về lực lượng lẫn quyền lực của các các ngành Quản lý thị trường,
Thanh tra khoa học công nghệ, Công an, Biên phòng, Hải quan... cho phép các lực
lượng này chức năng điều tra để có thể kịp thời phát hiện sai phạm thay cho những
cuộc thanh tra có báo trước cho các cây xăng để các cây xăng kịp thời đối phó.
Thêm nữa, cần sớm tăng các chế tài xử phạt và tăng cường sử dụng các chế tài
pháp luật, mạnh dạn đưa các hành vi gian dối với khách hàng ra xét xử theo quy
định của Bộ luật Hình sự. Đó chính là những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tệ
nạn gian lận trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.