Hút xăng để bán
Ở TP.HCM chỉ cần 4.500 đồng có thể mua được 1 lít xăng A92 trong khi các cây xăng bán với giá 6.000 đồng. Đó là xăng được lấy cắp từ các xe bồn đang tuồn ra thị trường bán lẻ. Nạn lấy cắp xăng dầu đã có từ nhiều năm nay và thường diễn ra ngay giữa ban ngày...
Từ trộm cắp... đến kinh doanh xăng dầu trộm cắp
Khu vực chúng tôi đến đầu tiên là đường Nguyễn Thị Định, đoạn chạy ngang tổng kho xăng dầu Cát Lái thuộc phường Cát Lái, quận 2 (TP.HCM).
Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực đường Nguyễn Thị Định có gần 10 điểm chuyên mua xăng kiểu lấy cắp này. Trong đó tập trung nhiều nhất là điểm đặt tại cà phê bida Như Uyển nằm ngay góc đường Nguyễn Thị Định và con đường nhỏ dẫn vào kho xăng dầu. Có khi đến 5-6 chiếc xe bồn như 57K-14..., 57K-06..., 57K-65..., 57H-78... cùng lúc đậu hàng dài chờ hút xăng bán.
Xăng hút vào can được các thanh niên kéo vào nhà. Sau một công đoạn “pha chế”, sang chiết, các can xăng 30 lít được đóng chặt nắp, đưa ra tập kết ở cửa sau nhà rồi được chất lên các xe gắn máy chở đi.
Những xe gắn máy chở xăng đi đâu? Trưa 23-9, chúng tôi chạy xe theo một trong năm xe gắn máy chở sáu can xăng xuất phát từ điểm Như Uyển. Trên đường đi, chốc chốc lại gặp những xe gắn máy chở xăng tương tự xuôi ngược trên đường.
Chiếc xe bồn chở dầu đen đang đưa vào "lò" để rút ruột
Rời Cát Lái, chúng tôi về tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Do nằm gần khu dân cư nên hoạt động lấy cắp, mua bán xăng gian chỉ co cụm ở hai con đường dẫn vào các kho là Dương Cát Lợi, Đặng Nhữ Lâm và một vài điểm khác ngoài đường. Một người dân khu vực tiết lộ chợ mua bán xăng nằm bên Bình Chánh.
Chiều 24-9, chúng tôi quyết bám theo một chiếc xe bồn 57H... vừa rời kho Nhà Bè. Chiếc xe này chạy ngược về quận 7, qua khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, ra đường Nguyễn Văn Linh và dừng lại trước một căn chòi lá - nơi đang chất chồng những can nhựa 30 lít, rồi hút bán hai can xăng.
Thật bất ngờ, khi chạy suốt con đường Nguyễn Văn Linh (đường cao tốc Nam Sài Gòn) nối từ quận 7 ra Bình Chánh chúng tôi phát hiện có gần 10 điểm mua xăng, được báo hiệu bằng việc treo hai can nhựa bên ngoài và một trụ bán xăng bơm tay.
Đa số xăng lấy cắp từ xe bồn được đưa ra bán lẻ ở lề đường, vùng ven. Nhưng có người như ông T. ở Cần Giuộc (Long An) mở hẳn cây xăng bơm máy, gom xăng ăn cắp về bán sỉ.
Mánh khóe trộm xăng, dầu
Giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu thừa nhận chuyện hút xăng để bán là có thật. Để ngăn ngừa, công ty chỉ còn cách phân công nhân viên theo xe cùng tài xế và phải liên tục đổi nhân viên để tránh chuyện thông đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đó không phải là biện pháp tối ưu bởi khi đổ xăng cho cây xăng, chỉ cần nhân viên nhận xăng sơ hở một chút là tài xế có thể “cắt cò” lưu lại trong khoang bồn cả trăm lít cho mình. Chưa kể hiện tất cả các xe bồn nhận xăng từ kho đều được kiểm tra số lượng, niêm chì ở các nắp bồn, nhưng khi ra khỏi kho tài xế dễ dàng mở các niêm chì để hút xăng, sau đó niêm lại bằng một sợi chì khác giống y chang.
“Bản lĩnh” hơn, có tài xế sau khi hút ra bao nhiêu xăng đã bơm bấy nhiêu nước vào bồn. Hành vi này thường thấy ở các điểm mua bán xăng khu Cát Lái. Theo lời ông N. - một người mua bán xăng lậu, nếu đổ nước vào nhiều quá, trước khi giao xăng các tài xế phải dùng đến máy sục cho xăng và nước trộn lẫn nhau. Ở các trụ xăng bán lẻ, hiện nay chỉ số ít là bán xăng A92 nguyên, đa số còn lại bán xăng pha. Trong can 30 lít chở đi bỏ mối, thường người ta pha trong đó 5 lít dầu hỏa (một lít dầu hỏa rẻ hơn 2.000 đồng so với 1 lít xăng).
Riêng với dầu đen, do mỗi lần “rút” cả ngàn lít nên tài xế phải đưa xe vào trong nhà. Để trả lại đúng số lượng dầu trước khi lấy cắp, tài xế đã đổ trở lại vào bồn gồm nước và một loại hóa chất chuyên dụng có giá khoảng 50.000 đồng cho một lần sử dụng, sau đó dùng máy sục liên tục để dầu đen và nước trộn lẫn với nhau.
Một tài xế xe bồn giải thích nếu không trộm xăng bán như thế thì khó sống nổi bởi lương tài xế chỉ được trả 1-1,2 triệu đồng/tháng. Nhưng đâu chỉ có thế, chúng tôi được nghe có những tài xế lấy được tiền quá nhiều đã “phải” thuê nhà, bao tiền hằng tháng cho 3-4 cô bồ.
Nạn tài xế xe bồn trộm xăng, dầu không phải bây giờ mới có, vốn dĩ đã có từ thời bao cấp - khi xăng “quí như vàng”. Vậy mà đến nay cái nạn này vẫn tiếp tục diễn ra công khai giữa ban ngày, và không biết tới bao giờ mới được ngăn chặn?