Trộm cắp xe máy: diễn biến ngày càng phức tạp
Theo con số thống kê mới đây của CATP Hà Nội, cứ 10 vụ mất trộm tài sản thì có từ 3-4 vụ có liên quan đến môtô, xe máy. Trong đó, tỷ lệ xe tay ga bị mất cắp chiếm trên 60%. Hàng loạt vụ trộm cắp, tiêu thụ xe máy có tổ chức với diễn biến phức tạp của tội phạm được ghi nhận là hồi chuông cảnh báo người dùng nên quản lý và bảo vệ tài sản của mình tốt hơn.
Chuyên đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản, mỗi năm, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng CSHS) đã bắt giữ hàng loạt ổ nhóm, đối tượng liên quan đến hành vi này. Trong quá trình làm việc với các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện việc bẻ khóa trang bị sẵn trên xe, lấy cắp xe máy đều được tội phạm dễ dàng thực hiện bất kể dòng xe cao cấp nào.
Khá nhiều người dùng chủ quan cho rằng xe máy đắt tiền, cao cấp đã có khoá “xịn” rất khó mất trộm. Trên thực tế, tội phạm thường chỉ mất từ 5 đến 10 giây là có thể vô hiệu hoá các loại khoá từ, khoá cơ. Các loại khoá cổ xe, khoá càng chỉ tốn thêm của chúng ít phút để hoàn toàn vô hiệu hoá và chiếm đoạt tài sản.
Đừng quá chủ quan vào thiết bị khoá chống trộm trên những chiếc xe máy đắt tiền. Ảnh minh hoạ
Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu cũng cho biết thêm, xe máy ngày càng bị mất cắp thường xuyên một phần cũng do ý thức phòng ngừa của người có tài sản. Đa phần nguyên nhân của các vụ mất trộm là xe máy dựng ở vỉa hè, khuất tầm nhìn của chủ xe, chủ nhà, không có người trông giữ và không khóa càng, không trang bị cho xe các thiết bị chống trộm an toàn như khóa chống trộm hay lắp định vị GPS cho xe… khiến xe máy dễ dàng trở thành “mồi ngon” của các những tên trộm.
Thiết bị chống trộm: người dùng đang loay hoay
Ngoài việc tăng cường quản lý và quan sát xe máy, không ít người dùng chọn trang bị khoá chống trộm như một giải pháp ít tốn thời gian để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, họ thường gặp khó khăn khi tìm mua thiết bị phù hợp giữa hàng loạt sản phẩm chống trộm xe máy đủ loại hình dáng, kích cỡ và giá thành. Hầu hết sản phẩm đang lưu hành trên thị trường hiện nay tràn ngập các thiết bị không rõ nguồn gốc hoặc mang xuất xứ Trung Quốc, không hề thể hiện bất kỳ thông tin về chất lượng, kiểm định hay các tiêu chuẩn sản xuất trên bao bì. Kèm theo những sản phẩm này thường là những công nghệ khoá sóng lỗi thời dễ dàng bị kẻ gian dò tần số và vô hiệu hoá. Để không “tiền mất tật mang”, người dùng nên sáng suốt khi lựa chọn sản phẩm bảo vệ tài sản quý giá của mình.
Ông Đinh Minh Quân – Tổng Giám đốc Công ty Định Vị Số, đơn vị duy nhất trong nước nghiên cứu và tự sản xuất thiết bị chống trộm, định vị xe máy Smartbike cho biết: “Người dùng cần cân nhắc 2 yếu tố cơ bản là công nghệ và xuất xứ khi chọn mua sản phẩm chống trộm xe máy. Nên chọn mua những sản phẩm sử dụng công nghệ mới mang tính bảo mật cao. Đồng thời, sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng vì vấn đề an toàn cho tài sản cũng như khả năng bảo hành, hỗ trợ vận hành dài lâu. Khả năng định vị xe máy cũng là một yếu tố đáng cân nhắc như một bước bảo vệ kép cho tài sản của người dùng trong các trường hợp bất khả kháng”.
Ngoài ra, người dùng cũng nên lắp đặt các thiết bị chống trộm tại các cửa hàng lớn, uy tín. Nên tìm hiểu kỹ các công nghệ mới nhất được sản xuất, các sản phẩm đạt chuẩn được lưu hành chính thức tại Việt Nam, rà soát thông tin sản phẩm được giới thiệu cũng là những bước cực kỳ cần thiết để chọn một hệ thống chống trộm tốt nhất cho tài sản của mình.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tính đến thời điểm hiện tại, số lượng xe máy được sử dụng trên địa bàn cả nước đã xấp xỉ 39 triệu chiếc. Bình quân mỗi năm thị trường Việt Nam "khai sinh” thêm hơn 3 triệu chiếc. Đây là khối lượng tài sản lớn mà mỗi người sở hữu nên cùng các cơ quan chức năng bảo vệ tài sản của mình, bằng cách lựa chọn một sản phẩm chống trộm phù hợp.