Quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS (hộp đen) được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết được thực hiện đúng thời hạn 1/7/2012. Sau hơn 1 tháng lắp đặt và đưa vào sử dụng “hộp đen”, đa phần các doanh nghiệp vận tải đều thừa nhận nhiều lợi ích mà “hộp đen” mang lại trong việc quản lý phương tiện, người lái và giám sát hành trình...
Nhưng chính các doanh nghiệp cũng phàn nàn rằng lái xe liên tục báo về là thiết bị này bị lỗi. Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 có 200 đầu xe đã lắp đặt “hộp đen” nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, tỷ lệ thiết bị còn hoạt động chỉ khoảng 10%; 90% còn lại lái xe đều báo đã hỏng, thậm chí vừa sửa xong lại tiếp tục báo hỏng. Tương tự, Hợp tác xã Thăng Long - đơn vị đang quản lý hơn 50 đầu xe có lắp “hộp đen” - cũng than phiền thiết bị không đáp ứng đúng nhu cầu, không thực hiện được các tính năng cơ bản như phát tín hiệu, ghi nhận hình ảnh…
Thiết bị giám sát hành trình lắp trên các phương tiện liên tục bị hỏng Trước sự việc này, các công ty sản xuất hộp đen lý giải thị trường đang có dấu hiệu cung vượt cầu, quá nhiều doanh nghiệp hợp chuẩn được công nhận nên khó kiểm soát chất lượng. Nhiều nhà cung cấp thiết bị chào bán sản phẩm đã cắt bớt tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật với giá rất thấp, chỉ bằng 1/2, 1/3 so với giá chuẩn. “Một số thiết bị đang lưu hành trên thị trường đã bị cắt bớt tính năng về cảnh báo tốc độ, lái xe quá thời gian quy định nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh” - đại diện Công ty điện tử Bình An nói.
Còn ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - thì cho rằng khi bán thiết bị “hộp đen” các đơn vị cung cấp thường đưa ra giá tổng thể đối với mỗi thiết bị từ 7-9 triệu đồng, nếu đơn vị vận tải yêu cầu cắt bớt tính năng, giá thiết bị chỉ còn một nửa. “Chưa có nhà cung cấp nào khẳng định phần mềm quản lý thiết bị hộp đen có thể cập nhật được quy định tốc độ ở tất cả các tuyến đường, dẫn đến chuyện cảnh báo sai, gây bức xúc cho lái xe và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn một số chức năng cần thiết như: kiểm soát việc thay lái xe, cổng cắm máy in của cảnh sát giao thông… phần lớn chưa lắp đặt”. - ông Liên dẫn giải.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của PV, nhiều doanh nghiệp vận tải nhìn nhận việc không có lái xe nào muốn bị kiểm soát và theo dõi khi đi đường nên có thể “hộp đen” bị lỗi; một phần có thể do lái xe cố tình đối phó khi tìm mọi cách để “tác động” đến thiết bị, tuy nhiên để thực hiện việc này không hề đơn giản. Theo ông Liên, nếu muốn can thiệp vào “hộp đen” đang hoạt động, lái xe sẽ mất khoảng 15-20 phút để mở rồi mới có thể cắt dây nối, khi đó thiết bị sẽ ngừng hoạt động. Vì thế, nếu doanh nghiệp giám sát tốt thì sẽ phát hiện được ngay khi tín hiệu tại trung tâm điều hành bị mất và doanh nghiệp có thể kiểm tra khá đơn giản. Còn doanh nghiệp nào nói rằng không thể kiểm soát được lái xe thì có thể coi là cố tình lách luật. Về tình hình này, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - cơ quan quản lý cao nhất của ngành - cũng thừa nhận có tồn tại một số vấn đề như: sử dụng thiết bị chưa phù hợp với quy chuẩn, lắp mà chưa sử dụng vào việc quản lý và giám sát hành trình... “Đối với trường hợp các đơn vị lắp hộp đen trước khi Bộ ban hành quy định, ông Thành cho rằng, Bộ đã giao các cơ quan liên quan phối hợp nâng cấp thiết bị cho phù hợp với quy chuẩn. Yêu cầu kiểm tra các đơn vị chưa lắp và kiểm chuẩn thiết bị để xác định lỗi. Với các thiết bị không hợp chuẩn, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép doanh nghiệp lắp đặt và nhà cung cấp hộp đen” - đại diện Vụ Vận tải khẳng định. Riêng về “nghi án” lái xe tắt hoặc phá hỏng thiết bị, Vụ này cho biết: Theo lộ trình thì đến tháng 7/2013 mới là thời hạn xử phạt về hộp đen, khi đó mới có thể xác định trách nhiệm của người lái xe với việc lắp thiết bị và phương tiện. Còn hiện tại, trách nhiệm lắp và duy trì thiết bị thuộc về các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không quản được lái xe, thì coi như không có đủ điều kiện kinh doanh và hoạt động. Lúc đó Bộ có thể xem xét đề nghị tước giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý vận tải, quản lý tuyến thực hiện kiểm tra doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về việc đã lắp thiết bị hay chưa và thiết bị có hoạt động không thông qua việc kiểm soát hành trình của từng chuyến xe, phương tiện nào vi phạm sẽ thu hồi phù hiệu và thu hồi đến một tỷ lệ nhất định sẽ đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Dân trí